Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo thống kê, bệnh thoát vị đĩa đệm chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh lý cột sống, phổ biến ở độ tuổi từ 22 đến 55.

Triệu chứng

Các triệu chứng chính của bệnh thoát vị đĩa đệm bao gồm:

- Đau thần kinh tọa: Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh, khiến người bệnh cảm thấy đau buốt từ hông xuống đùi, kéo dài tới các ngón chân, theo đường đi của dây thần kinh tọa.

- Đau cánh tay hoặc chân: Nếu bệnh xảy ra ở cột sống cổ hoặc thắt lưng, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở cánh tay hoặc chân, tùy theo vị trí bị ảnh hưởng. Cơn đau có thể tăng lên khi ho, hắt hơi hoặc vận động cột sống.

- Tê, ngứa ran, châm chích, điện giật: Đây là những cảm giác bất thường ở các vùng cơ thể do các dây thần kinh bị chèn ép gây ra.

- Teo và yếu cơ: Nếu bệnh kéo dài, các cơ bắp do các dây thần kinh bị ảnh hưởng sẽ bị suy nhược và teo nhỏ.

BS.CKI Trần Dạ Vương - Phó khoa Ngoại Tổng hợp BVĐK Vạn Phúc City khuyến cáo, nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì nên đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc myelogram để xác định mức độ và vị trí của bệnh.

Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm có thể do:
- Tuổi tác: Khi già đi, đĩa đệm sẽ bị mất độ đàn hồi, dễ bị hỏng hóc và thoát ra ngoài.

- Tổn thương cột sống: Những chấn thương do tai nạn, rơi ngã, va đập hay vận động quá sức có thể làm rách vòng sợi và làm nhân nhầy đĩa đệm bị thoát ra.

- Thói quen sinh hoạt: Những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, béo phì, ngồi lâu một tư thế, mang vác đồ nặng, hay tập thể dục không đúng cách cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Để phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn nên:

- Duy trì cân nặng cơ thể ở mức hợp lý, tránh béo phì.

- Không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia.

- Không đứng lâu trong một tư thế, nên thay đổi tư thế thường xuyên và vận động nhẹ nhàng cột sống.

- Mang vác đồ đúng cách, tránh gập người quá sâu hoặc xoay người quá nhiều.

- Thường xuyên tập thể dục, chọn những bài tập phù hợp với cột sống, tránh những bài tập gây áp lực lên đĩa đệm.

- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khi có triệu chứng bất thường ở cột sống.

Điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm

BS.CKI Trần Dạ Vương cho biết, phác đồ điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ được xây dựng dựa trên các yếu tố như mức độ, vị trí thoát vị cũng như tình trạng sức khỏe chung của người bệnh. 

Có hai phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm chính là điều trị bảo tồn và điều trị ngoại khoa.

Điều trị bảo tồn là phương pháp ưu tiên khi bệnh thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn nhẹ hoặc trung bình. Phương pháp này bao gồm:

Uống thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc giảm đau, kháng viêm, chống động kinh, giãn cơ… để làm giảm các triệu chứng đau nhức, tê liệt, co cơ.

Vật lý trị liệu: Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện những bài tập vật lý trị liệu để giảm bớt tình trạng đau, cải thiện chức năng cột sống và phục hồi sức khỏe.

Tiêm thấm giảm đau ngoài màng cứng bằng corticosteroids: Đây là một phương pháp mới, đang được áp dụng ở một số bệnh viện lớn, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc City. Phương pháp này giúp giảm viêm và các triệu chứng của bệnh bằng cách tiêm corticosteroids vào vùng xung quanh dây thần kinh cột sống.
 


Về điều trị ngoại khoa, theo BS.CKI Trần Dạ Vương, phẫu thuật là giải pháp cuối cùng cho những người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, khi điều trị bảo tồn không hiệu quả sau 6 tuần. Hoặc khi bệnh nhân có những biến chứng như tê liệt hoặc yếu cơ, khó vận động, rối loạn tiểu tiện hoặc đại tiện. Tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp phẫu thuật phù hợp. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các thăm khám, chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI. 

Về phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, hiện nay có 2 hình thức là:

- Phẫu thuật mổ mở hoặc thông qua ống banh, sau đó loại bỏ nhân thoát vị, giải phóng tình trạng chèn ép thần kinh cho bệnh nhân. Quá trình này có thể thực hiện với sự hỗ trợ của kính hiển vi hiện đại, giúp xác định chính xác các vị trí cần tiếp cận và xử lý, nâng cao hiệu quả ca phẫu thuật cũng như hạn chế rủi ro, biến chứng sau phẫu thuật.

- Phẫu thuật nội soi cột sống là một kĩ thuật mới trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Dưới sự hướng dẫn của các thiết bị nội soi, bác sĩ phẫu thuật chỉ cần rạch những vết rạch nhỏ từ 2-3cm, tiếp cận vị trí đĩa đệm bị tổn thương, theo dõi khu vực này qua hình ảnh truyền về từ camera ở đầu ống nội soi, thực hiện các thao tác loại bỏ nhân thoát vị một cách dễ dàng. 

Mỗi phương pháp phẫu thuật đều có những ưu điểm và nhược điểm. Và bác sĩ điều trị sẽ dựa vào tính chất, tình trạng tổn thương của mỗi bệnh nhân để đưa ra những chỉ định, phác đồ điều trị phù hợp. Để đạt được hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên chủ động thăm khám từ sớm với các bác sĩ chuyên khoa ngoại chấn thương chỉnh hình.

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc City với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống phòng mổ được trang bị máy móc hiện đại, liên tục cập nhật các phác đồ điều trị tiên tiến, cá thể hoá phác đồ điều trị với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với khoa Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, giúp điều trị hiệu quả bệnh lý thoát vị đĩa đệm cũng như nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác một cách an toàn, bền vững, giúp bệnh nhân mau chóng trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Tin tức liên quan

Vitamin C (hay còn gọi là axit ascorbic) là một trong những loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe. 

Khớp gối là một khớp phức tạp, phân loại dạng khớp bản lề, cấu tạo bởi ba xương, các xương kết nối với nhau bởi hệ thống dây chằng.

Phương pháp RICE là một phương pháp chăm sóc sơ cứu chấn thương thể thao thông dụng, đặc biệt là đối với các chấn thương nhẹ. 

Nếu đứt dây chằng chéo trước không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến mất vững đầu gối. 

Giày cao gót là một phụ kiện thời trang không thể thiếu của phái đẹp. Tuy nhiên, việc sử dụng giày cao gót quá thường xuyên có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là cơ xương khớp.