Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phan Nhật Thành – Trưởng khoa Nội tổng hợp Nhiễm - Bệnh viện Vạn Phúc City.
Bệnh đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường glucose trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể có sự khiếm khuyết về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ và chất khoáng; gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Các loại đái tháo đường thường gặp
Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường
Người mắc đái tháo đường nếu không kịp thời điều trị kiểm soát tích cực đường huyết về lâu dài sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan toàn thân, gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, tàn tật và tử vong.
Bệnh lý mạch máu não: Người Đái tháo đường làm gia tăng tỷ lệ mắc đột quỵ não từ 2 - 6,5 lần, tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần, nguy cơ sa sút trí tuệ cũng tăng dần theo. Đột quỵ có thể gồm xuất huyết não, nhồi máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
Bệnh lý tim mạch: Ở tim gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim ở người bệnh đái tháo đường có thể không đau ngực nhưng tổn thương động mạch vành nhiều đoạn và mức độ nặng.
Bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn ở người bệnh tiểu đường. Nếu tăng huyết áp đi kèm sẽ thúc đẩy bệnh thận diễn tiến nhanh.
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Bao gồm bệnh thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến cảm giác chân hoặc tay, gây tê, ngứa…) và bệnh thần kinh tự chủ (ảnh hưởng hệ thần kinh tự chủ điều hòa các cơ quan trong cơ thể như tiêu hóa, tiết niệu…). Hậu quả lâu dài có thể gây các vết loét bàn chân không nhận biết được (bệnh thần kinh ngoại biên) hoặc che mờ các dấu hiệu hạ đường huyết (bệnh thần kinh tự chủ).
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở người bệnh tiểu đường. Bệnh thường không triệu chứng giai đoạn sớm, các triệu chứng rõ khi bệnh tiến triển nặng, có thể gây mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc đái tháo đường?
- Người thân trực hệ mắc đái tháo đường
- Thừa cân, béo phì (BMI > 23 kg/m2)
- Lối sống tĩnh tại, lười vận động
- Tăng huyết áp
- Tuổi từ 40 trở lên
- Thai kỳ
- Bất dung nạp Glucose (tiền đái tháo đường)
- Rối loạn mỡ máu
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Đối với đái tháo đường típ 2, các biểu hiện có thể nhẹ hoặc khó nhận biết. Một số người không biết mình mắc bệnh cho đến khi gặp phải tổn thương lâu dài do bệnh gây ra. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ đái tháo đường khiến chúng ta cần gặp bác sĩ tư vấn tầm soát đái tháo đường, một số triệu chứng sớm gợi ý mắc bệnh cần lưu ý để sớm gặp bác sĩ thăm khám và xác định chẩn đoán bao gồm:
- Tiểu nhiều thường xuyên
- Khát nước nhiều
- Đói nhiều
- Mệt mỏi
- Buồn nôn, nôn
- Mờ mắt
- Sụt cân
- Vết thương loét, nhiễm trùng lâu lành
- Tê bì tay chân
Phòng ngừa đái tháo đường và biến chứng
Thay đổi lối sống tích cực, ăn uống sinh hoạt điều độ và luôn tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi có bệnh giúp chúng ta có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường típ 2 (thể thường gặp nhất), đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu chất xơ
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Giấc ngủ khỏe, đủ giấc
- Tránh căng thẳng
- Luyện tập thể dục thể thao
- Theo dõi và kiểm soát đường huyết thường xuyên
- Kiểm soát huyết áp
- Kiểm soát chỉ số mỡ máu, tránh hội chứng chuyển hóa.
Trên đây là bài viết tổng quan thông tin về bệnh lý đái tháo đường, hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe.
🏥 BỆNH VIỆN VẠN PHÚC CITY
📍Số 01, Đường 10, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, KP5, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TPHCM
☎️ Hotline: 1900966979
🌐 Website: vanphuc.com