* Thông tin được chia sẻ chuyên môn bởi BS. CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Vạn Phúc City.
* Bài viết chủ yếu cung cấp nội dung chi tiết về tình trạng Rối loạn lipid máu, với các chủ đề nổi bật được trình bày cụ thể theo mục lục dưới đây:
Rối loạn lipid máu (RLLPM) là tình trạng mất cân bằng các thành phần lipid trong máu, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và chuyển hóa, khi lipid máu mất cân bằng sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về RLLPM, từ định nghĩa, phân loại đến chẩn đoán và điều trị, nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách kiểm soát bệnh hiệu quả.

1. Định nghĩa rối loạn Lipid máu
Lipid là những phân tử kỵ nước không tan trong nước. Lipid được tìm thấy trong màng tế bào, duy trì tính nguyên vẹn của tế bào và cho phép tế bào chất chia thành ngăn tạo nên những cơ quan riêng biệt.
Lipid là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, tham gia cung cấp 25% - 30% năng lượng cơ thể. Lipid là nguồn năng lượng dự trữ lớn nhất trong cơ thể, dự trữ dưới dạng là mỡ trung tính triglycerid tại mô mỡ. Bình thường khối lượng mỡ thay đổi theo tuổi, giới và chủng tộc.
Rối loạn lipid máu (RLLPM) có nhiều dạng sau:
- Tăng cholesterol
- Tăng triglyceride
- HDL cholesterol thấp
- RLLPM ở người đái tháo đường
- RLLPM thứ phát khác
- Người có cholesterol máu cao và đồng thời tăng huyết áp.
2. Phân loại rối loạn Lipid máu
- Tăng cholesterol máu: Khi LDL – Cholesterol cao
- Tăng cholesterol máu có tính gia đình: Bệnh tim mạch do xơ vữa thường xuất hiện sớm: 40 – 65 tuổi phổ biến ở nam giới, không chắc chắn ở nữ.
- Tăng cholesterol máu do đa gen: Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa tăng 3 – 4 lần (trên mức trung bình).
- Tăng triglyceride
3. Nguyên nhân
Nồng độ triglyceride ở mức giới hạn trên của bình thường:
- Thừa cân, béo phì
- Ít hoạt động thể chất
- Hút thuốc lá
- Uống rượu quá mức
- Lượng carbohydrate ăn vào cao ( > 60% tổng năng lượng)
- Nguyên nhân khác: Di truyền
Nồng độ triglyceride cao
- Nguyên nhân mắc phải: Tương tự như đối với triglyceride ở mức giới hạn trên của bình thường.
- Di truyền: Tăng triglycerid máu gia đình, tăng triglycerid máu đa nguyên, rối loạn chuyển hóa lipoprotein máu trong gia đình.
Nồng độ triglyceride rất cao
- Nguyên nhân thường kết hợp: Tương tự như triglycerid máu cao.
- Di truyền: Thiếu lipoprotein lipase có tính gia đình, thiếu apolipoprotein C - II có tính gia đình.

4. Mối liên quan của triglycerid máu cao với Bệnh tim mạch do xơ vữa trong các điều kiện khác nhau
Nồng độ triglyceride cao
- Dấu hiệu RLLPM có thể gây xơ vữa mạch máu
- Tăng LDL – c (mỡ máu xấu)
- Cholesterol HDL (mỡ máu tốt) thấp
- Dấu hiệu cho hội chứng chuyển hóa
- Tăng huyết áp
- Đề kháng insulin và rối loạn dung nạp đường huyết
- Trạng thái prothrombotic
- Trạng thái tiền viêm
Nồng độ triglyceride rất cao
Hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường típ 2 và tăng nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa là phổ biến.
- Tăng nguy cơ bị viêm tụy cấp
- Hội chứng nhiễm khuẩn huyết
- U vàng ở da
- Gan nhiễm mỡ
5. Lâm sàng
Rối loạn lipid máu là bệnh diễn tiến âm thầm, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được vì RLLPM không có triệu chứng đặc trưng. Phần lớn triệu chứng lâm sàng của RLLPM chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối, RLLPM có thể gây viêm tụy cấp. Rối loạn lipid máu thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa.
Một số dấu hiệu gợi ý:
- Nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis): Soi đáy mắt phát hiện trong trường hợp triglycerides máu cao.
- Gan nhiễm mỡ (hepatic steatosis): Từng vùng hoặc toàn bộ gan, phát hiện qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp.
6. Cận lâm sàng
Định lượng bilan lipid: các thông số lipid sẽ ảnh hưởng sau ăn, nên để chẩn đoán chính xác RLLPM, cần phải lấy máu vào buổi sáng khi chưa ăn (đói).
7. Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid máu (nhịn đói qua đêm) khi có một hoặc nhiều rối loạn các thành phần như sau:
- Cholesterol toàn phần
- Triglycerid
- LDL - cholesterol
- HDL - cholesterol
8. Điều trị
Điều trị RLLPM không dùng thuốc:
Các biện pháp can thiệp lối sống bao gồm:
- Giảm cân, liệu pháp dinh dưỡng, BMI đạt mục tiêu sức khỏe, vòng bụng nam giới không quá 90 cm, nữ giới không quá 80 cm.
- Hoạt động thể lực: Thời gian ít nhất 150 phút / tuần, trung bình 30 - 45 phút / ngày, khoảng 5 buổi / tuần. Tần số tim thích nghi theo độ tuổi, khoảng 50-70% tần số tim tối đa.
- Hạn chế yếu tố nguy cơ giúp bệnh nhân giảm RLLPM, lipid máu đạt mục tiêu theo từng cá thể hóa sẽ làm giảm nguy cơ bệnh gây ra do xơ vữa mạch máu.

Điều trị bằng thuốc:
- Tùy thuộc kiểu hình tăng lipid máu mà bác sĩ chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh (cá thể hóa điều trị).
9. Tiến triển và biến chứng
RLLPM không được điều trị có thể gây ra biến chứng ở các cơ quan:
- Nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis),
- Gan nhiễm mỡ,
- Viêm tụy cấp có triệu chứng thường gặp như đau bụng, buồn nôn, nôn ói,… là bệnh cần đến bệnh viện ngay để theo dõi và điều trị.
Xơ vữa động mạch có đường kính trung bình và lớn như tổn thương :
- Bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ não) có triệu chứng: méo miệng, yếu – liệt nửa bên người, thay đổi ý thức,…
- Bệnh mạch vành: Bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim cấp có triệu chứng như đau ngực, tức vùng ngực, cảm giác vùng ngực trái bị đè ép, nặng, bóp nghẹt,…
- Bệnh mạch máu hai chân: Tê, đau, viêm tắc mạch gây hoại tử chân,…
- Tăng lipid máu gây xơ vữa mạch làm tổn thương động mạch hai chi dưới gây hẹp, viêm, tắc thiếu máu hoại tử chân.
10. Dự phòng
- Tiết chế ăn uống, cân bằng dinh dưỡng
- Tăng cường vận động, tập luyện thể dục.
- Giữ cân nặng đạt mục tiêu
- Xét nghiệm lipid máu định kỳ, nhất là đối với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, béo phì…
- Khi đã phát hiện có RLLPM nên điều trị sớm để giảm nguy cơ xơ vữa mạch làm giảm nguy cơ xuất hiện bệnh: Đột quị não, nhồi máu cơ tim cấp,…
Trên đây là bài viết tổng quan thông tin về bệnh lý rối loạn Lipid máu bao gồm tổng quan, phân loại, chẩn đoán và phương pháp điều trị tối ưu. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe.
BỆNH VIỆN VẠN PHÚC CITY
📍 Số 01, Đường 10, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, KP5, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM
☎️ Hotline: 1900 966 979
☎️ Cấp cứu 028.36364115
🌐 Website: vanphuc.com
#benhvienvanphuccity #bvvanphuccity
|