Thức khuya là một thói quen xấu của nhiều người hiện nay, đặc biệt là những người bận rộn, sống trong thành thị hay sự dùng nhiều thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, thói quen thức khuya có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Vậy thức khuya có hại như thế nào cho sức khỏe và làm sao để đi ngủ sớm hơn?
Theo các chuyên gia y tế, một người trưởng thành cần ít nhất 7-8 giờ ngủ mỗi ngày để duy trì sự cân bằng của cơ thể. Khi ngủ, cơ thể sẽ tiến hành các quá trình tái tạo, phục hồi và thanh lọc các chất độc. Nếu ngủ quá ít và kéo dài tình trạng này, cơ thể sẽ bị suy kiệt, kéo theo một loạt các hệ lụy nghiêm trọng về sức khoẻ như:
- Thiếu ngủ làm giảm trí nhớ và khả năng tập trung: Khi thiếu ngủ, não bộ không có đủ thời gian để xử lý và lưu trữ thông tin, dẫn đến giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc.
- Thiếu ngủ có thể gây béo phì và tiểu đường: Có thể nhiều người vẫn cho rằng thức khuya, thiếu ngủ sẽ làm chúng ta giảm cân. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Khi thức khuya, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone ghrelin kích thích cảm giác đói và ít hormone leptin ức chế cảm giác no. Đó chính là lý do vì sao chúng ta cảm thấy bữa ăn lúc nửa đêm thường ngon miệng hơn, ăn nhiều hơn. Và thói quen ăn đêm này sẽ khiến chúng ta tăng cân, tích mỡ vùng bụng nhanh chóng. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng làm giảm khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể, gây ra tiểu đường.
Thức khuya do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
- Thiếu ngủ có thể gây rối loạn sinh lý: Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ giảm sản xuất hormone sinh dục như testosterone ở nam giới và estrogen ở nữ giới. Điều này gây ra các rối loạn sinh lý như giảm ham muốn, giảm khả năng sinh sản hay rối loạn kinh nguyệt.
- Thiếu ngủ gây suy giảm hệ miễn dịch: Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ giảm sản xuất các tế bào miễn dịch và các chất kháng viêm. Điều này làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư hay Alzheimer.
Mặc dù thức khuya, thiếu ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thức khuya đã trở thành thói quen và rất khó để thay đổi thói quen này. Vì vậy, để khắc phục thói quen thức khuya và đi ngủ sớm hơn, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Đặt lịch ngủ thức cố định: Bạn nên cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần. Điều này lâu ngày sẽ giúp bạn xây dựng một nhịp sinh học ổn định và dễ ngủ hơn.
- Tránh các chất kích thích trước khi đi ngủ: Bạn nên hạn chế uống cà phê, trà, trà sữa, nước ngọt hay rượu bia ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ. Những chất này có thể làm bạn mất ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ.
- Giảm sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ: Tốt nhất, bạn nên tắt điện thoại, máy tính, tivi hay các thiết bị phát ra ánh sáng xanh ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh có thể làm giảm sản xuất melatonin, hormone điều hòa chu kỳ ngủ thức. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng mạng xã hội hay xem phim bằng smartphone trước khi đi ngủ có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn, thậm chí tập trung xem quên cả giấc ngủ.
Giảm sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ để có một giấc ngủ chất lượng
- Tạo môi trường thuận lợi cho giấc ngủ: Một phòng ngủ được tắt hết đèn hoặc duy trì ánh sáng tối thiểu, yên tĩnh và mát mẻ sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon và sâu hơn. Bạn cũng nên chọn nệm, gối, chăn ga phù hợp với cơ thể và sở thích của bạn. Bạn có thể dùng một số phương pháp thư giãn như nghe nhạc nhẹ, đọc sách hay thiền để giảm căng thẳng và dễ ngủ hơn.
- Vận động thường xuyên: Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, nhưng không nên tập quá gần giờ đi ngủ. Vận động sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe, tăng cường tuần hoàn máu và giảm stress. Điều này sẽ làm cho bạn ngủ dễ hơn và ngủ ngon hơn.
Như vậy, thức khuya là một thói quen xấu mà bạn nên từ bỏ để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hãy áp dụng những cách trên để đi ngủ sớm hơn và có một giấc ngủ ngon.